TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
PHƯỜNG TÂN QUY ĐÔNG
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Chủ nhật, 28/04/2024

Bài tuyên truyền ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10 2023

1. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế người cao tuổi
Năm 1982, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.
Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Đến năm 1990, tức 08 năm sau Đại hội thế giới về tuổi già ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi. Ngày 14 tháng 12 năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 01 tháng 10 hàng năm làm Ngày quốc tế người cao tuổi. Ngày quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991.
2. Ý nghĩa của ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10
Ngày Quốc tế người cao tuổi được thành lập mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Ngày quốc tế cao tuổi là ngày để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của người cao tuổi trong xã hội. Thực tế, rất nhiều người cao tuổi hiện nay bằng kinh nghiệm của mình đã và đang đóng góp, cùng thế hệ trẻ tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển xã hội.
Ngày quốc tế Người Cao tuổi thể hiện sự trân trọng sự đóng góp của Người cao tuổi vào quá trình xây dựng và phát triển đời sống. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhìn nhận lại cách ứng xử của bản thân, chú ý quan tâm, chăm sóc người cao tuổi tốt nhất và phù hợp truyền thống đạo lý dân tộc.
Trong những dịp này, Hội người cao tuổi sẽ tổ chức tuyên dương khen thưởng những cụ ông, cụ bà có đóng góp to lớn cho phong trào phát triển của hội cũng như cho xã hội. Bên cạnh đó, hội cũng sẽ tổ chức thăm hỏi, rặng quà những cụ bị đau ốm, hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.
3. Chủ đề ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10 năm 2023
Chủ đề ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2023:
Năm nay, ngày Quốc tế Người cao tuổi rơi vào nagỳ Chủ nhật với chủ đề là “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi”. Chủ đề này đóng vai trò là dấu ấn và lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ lớn tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội.

Những năm qua nhờ những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, tuổi thọ trung bình của nguời Việt Nam được nâng cao hơn. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: "Chưa bao giờ lực lượng người cao tuổi nước ta lại đông đảo như hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kính trọng lớp người cao tuổi ở nước ta. Với uy tín cao, sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, cùng với vốn trí thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ phong phú, đa dạng của mình thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc. Chúng ta trân trọng bồi dưỡng và phát huy nguồn lực ấy...".
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội nước ta đã ban hành Pháp lệnh người cao tuổi quy định cụ thể về phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung Ương Đảng đã đề ra yêu cầu: "Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi về y tế, hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước. Xây dựng chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Phát huy vai trò Hội người cao tuổi Việt Nam".
Lúc sinh thời Bác Hồ luôn kính trọng người già và yêu quý trẻ em, Người xem những vị thượng thọ "là của quý giá của dân tộc" và những tấm gương sáng của các cụ phụ lão và thanh thiếu niên là "tượng trưng phúc đức của nước nhà" trong đường lối cách mạng dựa vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương "vận động tất cả lực luợng không để sót một người dân nào góp thành lực luợng toàn dân". Trong đó giới phụ lão có vai trò đặc biệt quan trọng. Bác nhấn mạnh "trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì". Bác còn nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và Người chủ trương phải chống giặc dốt đi đôi với chống giặc đói và giặc ngoại xâm. Các cụ già có thành tích học chữ quốc ngữ đã được Bác khen: "Chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam". Bác còn khẳng định truyền thống Diên Hồng là truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc ta và riêng các cụ phụ lão ta. Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thụ thanh nhàn, các cụ còn tổ chức đội bạch đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, gìn giữ trật tự trị an trong làng xóm, giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng, cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mỹ cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về "tuổi cao, chí càng cao". Cả cuộc đời Bác luôn chiến đấu hy sinh không mệt mỏi vì dân, vì nước quên cả tuổi già, quên cả bản thân. Có thể nói, nỗi vui buồn, tình thương yêu của Bác đều gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân, trong đó có lớp người cao tuổi. Người đã quên đi hạnh phúc riêng của mình, sẵn sàng lấy tình yêu quê hương đất nước, yêu thương tất cả mọi người để làm nguồn sống, nguồn hạnh phúc. Người luôn lo trước nỗi lo của thiên hạ. Cuộc đời của Người là đức hy sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tương lai vận mệnh đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Người sống thật giản dị, không xa hoa. Điều đó tạo nên một con người cao thượng tuyệt vời.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi bắt nguồn từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, thể hiện đậm nét truyền thống của văn hóa dân tộc và đến nay còn nguyên giá trị đối với công tác vận động người cao tuổi trong giai đoạn cách mạng mới. Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng cho Hội người cao tuổi Việt Nam 18 chữ vàng chói lọi: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"./.

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét