TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
PHƯỜNG TÂN QUY ĐÔNG
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Thứ hai, 25/11/2024

Kỷ niệm 79 năm ngày Nam Bộ kháng chiến - Trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

     Dù đã 79 năm trôi qua, nhưng tinh thần quật khởi của Nam Bộ kháng chiến trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định vẫn còn in đậm trong tâm trí bao người.

     Cách đây 79 năm, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh, tiến hành đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
     Như vậy là chưa đầy một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, thì nhân dân miền Nam đã phải đối mặt với cuộc chiến đấu mới.
     Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập, do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP.HCM) thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
     Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngay trong ngày 23/9/1945, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu, gây cho thực dân Pháp rất nhiều thiệt hại.
     Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cục diện ở miền Nam.
     Ngày 24/9/1945, Chính phủ gửi điện chỉ thị Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến và gửi Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ.
     Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bản Hiệu triệu tới đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân. Cùng ngày, Chính phủ ra lời Hiệu triệu đồng bào toàn quốc đấu tranh để hủy diệt tất cả hành động xâm lược của giặc Pháp ở Nam Bộ, kêu gọi đồng bào cả nước hướng về Nam Bộ, bằng mọi hình thức ủng hộ, chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ.
     "Miền Nam đi trước về sau", cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã tạo điều kiện để toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước.
     Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là Ngày mở đầu cuộc kháng chiến, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, để đi đến ngày khải hoàn của đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong suốt chặng đường đó, quân, dân Nam Bộ đã sống, chiến đấu vô cùng anh dũng để xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.
     Đã 79 năm trôi qua kể từ mùa Thu ngày 23/9/1945, nhưng tinh thần chiến đấu quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn vẹn nguyên giá trị, trao truyền đến các thế hệ hôm nay.
     Ngày 23/9/1945 luôn nhắc nhở lương tâm và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên, thế hệ  hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang cần những người tài, đức, vì dân, vì nước, để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc bảo vệ,  xây dựng đất nước, quê hương hôm nay ngày càng giàu đẹp./.

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét