Tuyên truyền Kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886-01/5/2024)
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất chú trọng đến giai cấp công nhân như là động lực mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản. Người đã có công rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5.
Ngày 01/5 là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn cầu, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày 01/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 01/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 01/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Ngày 01/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.
Ngày 20/6/1889, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 01/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 01/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi chúng phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử, trong đó công bố: Ngày 01/5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 01/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.
Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế lao động 01/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi:“Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 01 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 01 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của xã hội.
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886-01/5/2024), giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Thông tin khác
- Kỷ niệm 102 năm ngày sinh đồng chí võ văn kiệt 23/11/1922 - 23/11/2024 (23/11/2024)
- Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập hội chữ thập đỏ việt nam 23/11 (23/11/2024)
- Kỷ niệm 84 năm ngày nam kỳ khởi nghĩa 23/11/1940 – 23/11/2024 (23/11/2024)
- Đại biểu hđnd thành phố và phường tân quy đông tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 (21/11/2024)
- Về việc cấm đường dân sinh qua cầu sa đéc 1 để đảm bảo an toàn giao thông trong quá... (21/11/2024)
- Truyền thống 42 năm ngày nhà giáo việt nam 20/11/1982 – 20/11/2024 (19/11/2024)
- Quốc tế đàn ông 19/11 (19/11/2024)
- Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở... (18/11/2024)