TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
PHƯỜNG TÂN QUY ĐÔNG
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Thứ sáu, 27/09/2024

Tuyên truyền Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát Nhân dân 20/7

     Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và ngành Công an chăm lo xây dựng, giáo dục rèn luyện, được Nhân dân tin yêu đùm bọc, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trong quá trình công tác, chiến đấu, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
     Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), "Đội Tự vệ đỏ" được thành lập để hỗ trợ bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô viết - Công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô viết.
     Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về "Đội Tự vệ", xác định rõ: "Không một sản nghiệp nào, làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các Hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội Tự vệ, đó là khẩu hiệu của chúng ta hiện nay". Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: "Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động".
     Đầu năm 1940, Đảng chủ trương thành lập "Ban Công tác đội" làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu, bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. "Ban Công tác đội" đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.
     Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức "Đội trinh sát", "Đội hộ lương diệt ác" lần lượt ra đời cùng với "Đội Tự vệ đỏ", "Ban Công tác đội" và "Đội danh dự trừ gian" làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của Nhật, trừ khử bọn việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân.
     Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền cách mạng thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
     Các tổ chức Cảnh sát ngay sau khi được thành lập đã phối hợp với lực lượng Liêm phóng trấn áp bọn phản cách mạng, lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội.
     Để tăng cường xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.
     Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát nhân dân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng, Nhà nước.
     Tháng 11, 12/1959, lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng khác của Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt và bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Lực lượng Cảnh sát đã cùng lực lượng An ninh đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm thấp nhất thiệt hại.
      Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho chiến trường miền Nam, sát cánh cùng lực lượng An ninh miền Nam bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và khu căn cứ cách mạng.
     Để xây dựng Cảnh sát nhân dân thành lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam; ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân./.
 

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét