TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
PHƯỜNG TÂN QUY ĐÔNG
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Thứ bảy, 28/09/2024

Ngày Quốc Tế bảo vệ tầng O-zone 16/9

     Ngày 16/9 hằng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone để các quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và truyền tải thông điệp về bảo vệ tầng o-zone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.
     Thông điệp năm nay là “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh.
     Đến nay, tầng ozone đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực ​​sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ozone đã được loại trừ hoàn toàn, Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
     Để tăng cường thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, ngày 15.10.2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, đến nay đã có 152 quốc gia phê chuẩn tham gia. Mục tiêu là giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến để thay thế các chất làm suy giảm tầng ozone trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Gần 80% các chất HFC đang được sử dụng trong lĩnh vực làm mát (điều hoà không khí, thiết bị lạnh, hệ thống điều hoà trung tâm, kho bảo quản lạnh…) và 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu phục vụ nhu cầu làm mát của con người.
     Trái đất đang dần nóng lên kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở trong nhà, trường học và nơi làm việc cũng tăng theo. Việc tăng cường khả năng tiếp cận chuỗi lạnh bền vững, giúp bảo quản thực phẩm và vắc xin là yêu cầu thiết yếu cho phát triển bền vững. Thông qua việc loại trừ các chất HFC, việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali kỳ vọng sẽ góp phần không làm tăng nhiệt độ trái đất 0,5 độ C vào năm 2100 và có thể hiệu quả gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm. Việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế vừa đảm bảo vừa an toàn, thân thiện với môi trường, khí hậu và đồng thời tăng hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát là rất quan trọng.
     Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 1.1.2010 và hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng).
     Trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024 -2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2035 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045./.

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét